lehung-autodaily
Administrator
Sau gần 30 năm “làm mưa làm gió” trên thị trường, Ford Explorer luôn không ngừng thay đổi và làm mới mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tuy nhiên, dù thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì mục tiêu cao cả nhất mà những người thiết kế Ford Explorer muốn hướng tới vẫn là: Tạo ra một mẫu xe mang đến sự thoải mái nhất cho gia đình.
Và trong ngày 10/1 vừa qua, ngay trước thềm triển lãm ôtô Bắc Mỹ Detroit Auto Show 2019, Ford đã chính thức vén màn mẫu xe Explorer 2020 – thế hệ thứ 6 của dòng xe SUV bán chạy nhất mọi thời đại ở Mỹ. Với thiết kế hoàn toàn lột xác, công nghệ tiên tiến cùng khả năng off-road vượt trội, Ford Explorer 2020 hứa hẹn sẽ trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của hãng xe Mỹ trong thời gian tới.
Để hiểu rõ hơn về những thay đổi của Explorer thế hệ mới so với các thế hệ cũ, mời quý vị cùng Autodaily nhìn lại lịch sử phát triển đầy huy hoàng của dòng xe này trong suốt 3 thập kỷ qua.
Ford Explorer 1991-1994: Đột phá
Chiếc Explorer đầu tiên được chế tạo dựa trên khung gầm xe bán tải Ford Ranger và chia sẻ rất nhiều bộ phận với đàn anh của mình, cụ thể là panel thân xe trước cột A và bảng điều khiển. Mặc dù có thiết kế khá giống với chiếc SUV nhỏ gọn Ford Bronco II hai cửa (cũng dựa trên Ranger) đời 1989 và 1990, nhưng Explorer thực chất có kích thước lớn hơn so với các mẫu xe khác cùng phân khúc.
Cụ thể, phiên bản Explorer Sport hai cửa có chiều dài và rộng lớn hơn lần lượt 12,6 inch và 2,2 inch so với Bronco II, trong khi phiên bản Explorer 4 cửa còn được bổ sung thêm 22,4 inch chiều dài.
Không chỉ được gia tăng về kích thước, Explorer còn tự hào với khả năng khí động học vượt trội, vẻ ngoài hiện đại, đi kèm cùng khối động cơ V6 mạnh mẽ, dung tích 4.0 lít, tạo ra công suất đáng nể (vào thời điểm đó) 155 mã lực và mô-men xoắn 300 Nm. Những phiên bản sau đó được tăng thêm 5 mã lực nhưng mô-men xoắn vẫn giữ nguyên. Động cơ V6 này được kết hợp với hộp số sàn 5 cấp của Mazda hoặc hộp số tự động bốn cấp do Ford thiết kế. Explorer thế hệ đầu tiên được trang bị tiêu chuẩn hệ dẫn động cầu sau, và tùy chọn hệ dẫn động 4 bánh gài cầu Shift on the fly, cho phép xe có thể chuyển từ dạng dẫn động 2 bánh sang 4 bánh mà không cần phải dừng lại.
Ngay từ khi có mặt trên thị trường, Explorer thế hệ đầu tiên đã gây được tiếng vang lớn. Trong năm đầu tiên, mẫu xe này đã bán được 140.509 chiếc. Đến năm thứ hai, doanh số đã tăng gấp đôi đạt 282.837 chiếc. Đến cuối năm 1993, hơn 300.000 chiếc SUV Explorer đã được giao đến tay khách hàng.
Ford Explorer 1995-2001: Dẫn đầu các bảng xếp hạng
Sau 4 năm có mặt trên thị trường, Ford Explorer thế hệ thứ 2 được nâng cấp đáng kể so với thế hệ đầu tiên, đặc biệt là ở khả năng off-road. Theo đó, hệ thống treo trước I-Beam được thay thế bằng hệ thống treo tay đòn độc lập mới, trong khi đó trục dẫn động (live axle) vẫn được đặt ở phía sau.
Ngoài ra, thiết kế ngoại hình của Explorer thế hệ thứ 2 cũng có nhiều điểm khác biệt so với Ranger. Theo đó, thay vì vẻ ngoài trông giống như một chiếc xe bán tải, Explorer 1995-2001 được trang bị đèn pha, lưới tản nhiệt và cản trước với nhiều đường cong tròn trịa hơn cùng với đó là khối động cơ mạnh mẽ hơn.
Năm 1996, Ford bắt đầu trang bị cho Explorer động cơ V8 5.0 lít tạo ra công suất 210 mã lực và mô-men xoắn 338 Nm. Năm 1997, cũng động cơ đó nhưng công suất được Ford nâng lên 215 mã lực. Cũng trong năm này, hãng xe Mỹ còn hào phóng tung ra một cấu hình máy mới V6 4.0L mạnh 205 mã lực, đi kèm hộp số tự động năm cấp - hộp số hiện đại bậc nhất vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, Ford Explorer thế hệ thứ 2 lại vướng phải một số rắc rối. Cụ thể khi vừa bước sang thế kỷ mới tức vào năm 2000, giới chức Mỹ đã mở một cuộc điều tra các vấn đề có liên quan đến lốp xe Firestone dẫn đến các vụ lật xe Explorer khiến 271 người tử vong đồng thời buộc Firestone và Ford phải triệu hồi 23 triệu lốp xe.
Cũng trong thời gian đó, hãng xe Ford đã tung ra thêm một biến thể bán tải mới Explorer Sport Trac bốn cửa, với chiều dài cơ sở tăng thêm 14,3 inch (363 mm) và thùng xe đạt 1.280 mm.
Nói đến doanh số bán hàng, giai đoạn 1995-2001 được đánh giá là thời kỳ huy hoàng của Explorer. Ngay trong năm 1995, mẫu SUV này đã bán được 395.227 chiếc. Doanh số Explorer đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vào năm 2000 với 445.157 chiếc được bán ra. Đến năm 2001, doanh số vẫn duy trì ở mức ổn định là 415.921 chiếc.
Ford Explorer 2002-2005: Thoái trào
Explorer thế hệ thứ ba là một phiên bản hoàn toàn mới so với hai thế hệ trước. Nó không còn sử dụng thiết kế gồ ghề và nhàm chán hay dùng chung nền tảng khung gầm với Ford Ranger nữa. Thay vào đó, Explorer trở nên hiện đại và thực dụng hơn. Với trang bị thống treo sau độc lập hoàn toàn mới, Explorer đời này không chỉ mang đến trải nghiệm lái hoàn hảo mà còn được mở rộng thêm không gian nội thất với sự xuất hiện của hàng ghế thứ 3, nâng tổng số người ngồi lên con số 7.
Về động cơ, Explorer thế hệ thứ ba được trang bị động cơ V8 hoàn toàn bằng nhôm, dung tích 4,6 lít sản sinh công suất 240 mã lực và mô-men xoắn 380 Nm. Với khối động cơ V8 mạnh mẽ kết hợp cùng kết cấu khung xe dạng “body on frame”, chiếc Explorer này có thể kéo được tới 7.300 pound.
Vào năm 2002, Explorer vẫn thành công với doanh số 433.847 chiếc, nhưng đến năm 2005, doanh số đã giảm 45% so với ba năm trước đó, chỉ còn 239.788 chiếc trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng bỏ qua những chiếc SUV truyền thống để mua các mẫu xe crossover.
Ford Explorer 2006-2010: Tiếp tục lao dốc
Explorer 2006 được trang bị khối động cơ V8 4,6 lít mạnh mẽ hơn, sản sinh công suất 292 mã lực và mô-men xoắn 406 Nm, đi kèm hộp số tự động sáu cấp mới.
Explorer thế hệ thứ tư cũng tự hào với trang bị khung xe cứng chắc hơn, hệ thống treo cải tiến và nội thất được làm mới. Những mô hình sau đó còn được bổ sung thêm nhiều tính năng công nghệ và tiện nghi hiện đại, nhưng dường như những nâng cấp này vẫn không thể làm vừa lòng khách hàng.
Minh chứng là, năm 2006 doanh số của Explorer đã giảm 25% so với năm trước đó, xuống còn 179.229 chiếc và đến năm 2010 doanh số giảm xuống chỉ còn 60.687 chiếc. Nguyên nhân được cho là do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng thấp và nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại xe nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu hơn ngày càng tăng.
Và đến năm 2009, Explorer chỉ bán được 52.190 chiếc – doanh số thấp nhất mọi thời đại của mẫu SUV này, và chỉ bằng một phần mười doanh số bán hàng ở mức cao nhất chín năm trước đó.
Ford Explorer 2011-2019: Sự hồi sinh
Rút kinh nghiệm từ thất bại của thế hệ thứ 4, bước sang thế hệ thứ 5, Ford quyết định chinh phục những giá trị mới. Từ một chiếc xe thô cứng, Explorer chuyển dần sang hình ảnh một chiếc SUV thân thiện với gia đình hơn. Xe được phát triển dựa trên khung gầm của chiếc sedan Taurus đi kèm cùng thiết kế mới trông mượt mà và hiện đại hơn.
Những sự thay đổi này đã thực sự phát huy tác dụng. Doanh số bán hàng bắt đầu tăng trở lại với 135.704 chiếc được bán ra trong năm 2011, tăng gấp đôi so với năm trước đó, đồng thời cao hơn Toyota Highlander hơn 34.000 chiếc. Doanh số tiếp tục tăng đều đặn mỗi năm và lên tới con số 271.131 chiếc vào năm 2017. Đến năm 2018, doanh số cũng tăng khoảng 10.000 chiếc so với kỷ lục năm 2017. Theo đó, Explorer trở thành mẫu SUV ba hàng ghế bán chạy nhất của Mỹ.
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự hồi sinh của Explorer đó chính là khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe được cải thiện đáng kể. Thế hệ thứ 5 này được trang bị động cơ V6 3,5 lít, công suất 290 mã lực và mô-men xoắn 346 Nm, đi kèm hộp số tự động sáu cấp. Với trang bị động cơ và khung gầm mới, Explorer hệ dẫn động 4 bánh có mức tiêu thụ nhiên liệu là 13.8 l/100km trong thành phố và 10,2 l/100km trên đường cao tốc. Trong khi đó, với trang bị hệ dẫn động cầu trước, các con số lần lượt là 13,06 l/100km thành phố và 9,4 l/100km đường cao tốc.
Ngoài ra, để tiết kiệm nhiên liệu, hãng xe Mỹ còn trang bị thêm cho Explorer tùy chọn động cơ tăng áp 2.0 lít, công suất 237 mã lực và mô-men xoắn 338 Nm, cho phép chiếc Explorer với động cơ 4 xi-lanh đạt mức tiêu hao nhiên liệu 11,7 l/100km trong thành phố và 8,7 l/100km đường cao tốc.
Sau đó, động cơ này đã được thay thế bằng khối động cơ bốn xi-lanh, tăng áp, dung tích 2,3 lít, sản sinh công suất 280 mã lực và mô-men xoắn 420 Nm.
Mặc dù đã khai tử khối động cơ V8, nhưng không vì thế mà sức mạnh của Explorer bị giảm sút. Cụ thể, năm 2013 đánh dấu sự trở lại của phiên bản Explorer Sport 4 cửa, với trang bị động cơ V6 3,5 lít tăng áp, sản sinh công suất ấn tượng 365 mã lực và mô-men xoắn 475 Nm. Phiên bản này có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong 6 giây, nhanh hơn 2 giây cho với các phiên bản Explorer với trang bị động cơ V6 hút khí tự nhiên và V8.
Chiếc SUV này có thêm một phiên bản cập nhật ngoại thất vào năm 2016 và phiên bản nâng cấp tinh chỉnh hơn vào năm 2018. Đến phiên bản 2019, Ford Explorer tiếp tục được hoàn thiện về mặt công nghệ với trang bị các tính năng an toàn và hỗ trợ người lái mới nhất hiện nay như hệ thống phanh giảm thiểu va chạm, kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ đi đúng làn đường, hỗ trợ đỗ xe song song tự động, đèn pha tự động AHB (Automatic High Beam) và cần gạt cảm biến nước mưa. Bên cạnh đó, xe còn được tích hợp Wi-Fi, hệ thống giải trí tương thích với cả Apple CarPlay và Android Auto.
Ford Explorer 2020: Duy trì đà tăng trưởng?
Sau gần 30 năm thăng trầm, Ford Explorer thế hệ thứ 6 đã chính thức trình làng vào ngày 10/1 vừa qua. Không chỉ lột xác hoàn toàn trong thiết kế đi kèm cùng cấu trúc khung xe nhẹ và cứng vững hơn, Ford Explorer 2020 còn được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, các tính năng hỗ trợ lái xe tiên tiến cùng kết nối tương tác thông minh, đem lại nhiều giá trị sử dụng hơn. Đây cũng được đánh giá là một trong những mẫu xe đột phá nhất của Ford trong vòng 1 thập kỷ qua.
Hy vọng, với những thay đổi mang tính chiến lược, Explorer 2020 sẽ một lần nữa đưa Ford lên đỉnh cao của thời kỳ huy hoàng gần 30 năm về trước.
Đinh Giang (Forum.autodaily.vn)