Đường ngược, đường xuôi

lehung-autodaily

Administrator
Hai trong ba chú ong xuôi về Hà Nội, “vua nước rút” còn lại lên đường chinh phục A Pa Chải.>> Đi về phía dòng sông>> Vespa – Xuôi về xứ sương mù>> Cưỡi Vespa cổ qua miền Tây Bắc>> Chinh phục cao nguyên đá bằng Vespa cổ>> “Phượt” xe máy ở thị trấn mù sương>> Cùng Toyota Fortuner vượt cao nguyên đáMộc Châu – cao nguyên thơ mộngTrong suốt hành trình qua miền Đông Tây Bắc, Mộc Châu là điểm dừng chân cuối cùng của ba chú ong trước khi về lại Hà Nội. Sau chặng đường gần 4000km, ba chiếc xe đã chứng tỏ được thực sức mạnh của mình. Leo đèo, vượt dốc, ôm cua, chạy đường trường, tất thảy đều đã in lằn vết bánh vespa cổ của chúng tôi. Không có quá nhiều hành trình như thế này được thực hiện, và cũng quá may mắn trong suốt chặng đường rất dài đó, ba chú ong không xẩy ra bất cứ trục trặc nào.Cao nguyên Mộc Châu xanh ngắt một màu bởi những đồi chè, rừng mận, vườn đào, đồng cảiMộc Châu đón chúng tôi bằng những cơn gió mát lành, bằng trăng 16 sáng vằng vặc soi suốt chặng đường từ bến phà Vạn Yên về thị trấn Nông trường Mộc Châu. Để rồi từ đây, sáng mai thôi, ba chú ong sẽ tách làm hai. Sprint (vua nước rút) cùng một thành viên của đoàn sẽ lên đường đi ngược Sơn La rồi vượt Pha Đin, tới Điện Biên, từ đó bắt đầu hành trình chinh phục cực tây A Pa Chải của đất nước. PX và Super sẽ xuôi Thung Nhuối, Thung Khe về Hà Nội.Đón như thế nào thì tiễn đi như thế, sáng cao nguyên bầu trời dường như trong hơn mọi ngày. Nắng lên không quá vội, nhẹ nhàng chiếu sáng cả vùng cỏ cây rộng lớn này. Chiếu cả những đồi chè đang vào vụ thu hoạch, đâu đó những anh chị công nhân đang khom mình hái những búp chè ngon nhất trước khi trời quá trưa. Từng khu vườn mận đào nở muộn tô điểm thêm bức tranh thơ mộng của miền núi xứ lạnh.Còn lại hai chú ong chinh phục con đường đất xuyên qua đồi chè Mộc ChâuCon đường quốc lộ 6 chạy dọc miền cao nguyên như vết bút ai đó vẩy tay hơi quá, quanh co uốn mình qua từng sườn núi. Bên phải, cánh đồng cải đủ sắc màu trắng tím, bên trái là đồi chè xanh ngút tít tắp đến tận chân trời. Xa hơn nữa, bạn sẽ thấy những vườn mận đã bắt đầu cho quả. Cái thứ mận Mộc Châu rất ngon và ngọt, quả không quá lớn màu nâu đỏ sẫm.Thử một lần đứng giữa vườn mận đang mùa trĩu quả, bạn sẽ hiểu niềm vui của những con người đôn hậu quanh năm chăm sóc loài cây đặc trưng miền cao nguyên này. Hay khi bạn lạc vào cả rừng đào cổ thụ với gốc cây to xù xì mốc thếch, rêu bám đầy từ chân đến ngọn đang mùa nở hoa, bạn sẽ biết mùa xuân đang đến như thế nào.Thung lũng Mai Châu yên bình và trù phúChia tay nhau tại ngã ba thị trấn Nông trường, cái bắt tay thật chặt, những dặn dò, lo lắng xen lẫn cả niềm tự hào. Cung đường sắp tới của chiếc Sprint sẽ còn rất dài, dài bằng cả chặng đường vừa qua. Từ đây, Hiền (chủ chiếc xe Sprint) sẽ ngược lên chinh phục cực tây tổ quốc, rồi lại xuôi theo đường Hồ Chí Minh trở vào miền Nam, dạo chơi hết miền Tây sông nước rồi trở lại Sài Gòn. Tôi nhẩm tính, cả chạy ra, chạy vào, cả Đông tây bắc, cả miền Đông Tây Nam Bộ và Tây nguyên nữa là gần 8000km. Từng ấy ki lô mét đã in hằn vệt bánh 10 nhỏ bé của chú ong cần mẫn này. Còn tôi và chiếc PX sẽ xuôi theo quốc lộ 6 mới để về Hà Nội kết thúc chuyến đi.Vượt Thung Nhuối, thong dong Thung KheTừ Mộc Châu về Hà Nội chúng tôi còn phải vượt qua hai ngọn đèo khá hiểm trở là Thung Nhuối và Thung Khe. Hai cung đèo được xem là nỗi khiếp sợ với cánh xe tải chạy tuyến đường 6 lên Sơn La, bởi sương mù gần như luôn giăng kín. Là tuyến độc đạo nối liền các tỉnh Tây Bắc nên lưu lượng phương tiện qua lại nơi khá đông, đặc biệt là xe khách và xe tải đường dài. Bù lại, đường được mở rộng ôm mình theo sườn núi, mặt đường nhựa phẳng mịn, vạch kẻ đường rất rõ ràng, điều đó làm chúng tôi yên tâm hơn khi leo dốc ngược ở các khúc cua tay áo.Lên đến đỉnh đèo, toàn cảnh thung lũng Mai Châu hiện lên trước mắt như mê hoặc lòng người. Từ trên cao nhìn xuống cả cánh đồng đang mùa đổ ải, đâu đó những mảng màu xanh ngắt bởi dăm ba thửa ruộng đã được cấy. Con đường 15A chạy dọc xuyên qua cả thị trấn, từng mái nhà ngói đỏ tươi xen lẫn cả những ngôi nhà sàn của bà con dân tộc Thái tạo nên cảnh thanh bình, khiến bao du khách qua đây chỉ muốn ngồi mãi mà ngắm cho thỏa lòng. Chúng tôi dừng lại tại chân cột cờ khá lâu, phần vì để hai chú ong nghỉ ngơi sau chặng đường leo dốc chinh phục Thung Nhuối khá dài, phần vì cảnh sắc nơi đây hiện rõ trong ngày nắng đẹp hiếm hoi này.PX và Super tại chân cột cờ trên đỉnh đèo Thung NhuốiSau khi đã kiểm tra chắc chắn phanh, côn, lốp, đoàn lại tiếp tục đổ dốc về Thung Khe. So với Thung Nhuối thì đèo Thung Khe chủ yếu là xuống dốc theo chiều chúng tôi trở về. Chính vì thế mà hai chiếc xe chỉ việc ôm núi mà đổ cua mà tận hưởng không khí mát lành của miền núi. Ông trời cũng thật khéo, tại nơi lưng chừng đèo lại tạo nên mảnh đất bằng phẳng làm nơi dừng chân cho lữ khách xuôi ngược qua đây.Từng quán hàng nhỏ mái lá đơn sơ, chẳng che chắn bốn phía, dăm cái ghế băng dài làm nơi ngồi nghỉ cho du khách. Từng món ăn dân dã của miền núi này được đưa ra, phải kể đến hai món đặc trưng nhất là ngô nếp luộc và cơm lam. Dường như ngô được trồng trên núi đá, ăn sương đêm nên bắp to, hạt đều và chắc, ăn lại rất ngọt và bùi. Cơm lam phải được nấu từ loại nếp nơi đây, được cho vào các ống tre hoặc nứa, đổ lượng nước vừa đủ, và nấu trên bếp. Cứ như thế cho đến khi nào lớp vỏ bên ngoài đã cháy, mùi thơm của nếp thành cơm bốc lên nghi ngút là lúc cơm đã chín. Món cơm này rất hợp với muối lạc, muối vừng. Vị thơm của nếp, vị béo ngậy của lạc vừng, vị nồng của than củi ám lên từng đốt nứa làm nên món cơm hấp dẫn bất kỳ ai mỗi khi qua đây.Gần 4000km đã in dấu vệt bánh xe của chúng tôiChọn cho mình những bắp ngô non nhất, chúng tôi cho vào nồi luộc ngay tại chỗ. Mùi ngô mới thơm ngọt tỏa ra lan kín cả không gian như sương mù, mùi khói bếp cay cay, tiếng lép bép của củi cháy đượm, chất giọng ấm của bác chủ quán già kể về lịch sử vùng đất này, tất cả như xua đi cái giá lạnh của gió đang thổi lên từ khe núi. Mọi người ngồi xích lại gần nhau hơn bên bếp lửa hồng, chờ ngô chín, cơm chín mà câu chuyện thêm rôm rả.Phút nghỉ ngơi làm đôi chân hết mỏi, tay đã bớt căng cứng vì bóp côn quá nhiều, bụng đã bớt sôi lên vì đói, chúng tôi đổ xuôi đèo về Hòa Bình rồi rẽ hướng Bãi Chạo, Bãi Lạng để về Hà Nội. Trời về chiều, sương núi giăng giăng bảng lảng, đường đèo không quá gấp, hai chú ong nhỏ cứ “pạch pạch” mà thong dong như thế cho đến khi ánh đèn phố thị đã sáng trưng báo hiệu một kết thúc tuyệt vời cho hành trình xuôi ngược.Theo AutocarVietnam
 
Back
Top