thanhhang-autodaily
Chuyên gia
Xình xịch, xình xịch… âm thanh chắc hẳn còn văng vẳng bên tai những ai đã từng một lần ngồi trên chuyến tàu đêm hành trình du lịch Hà Nội – Sa Pa. Nhưng nếu trực tiếp ngồi sau vô-lăng của chiếc xe bán tải vượt nửa ngày đường để đến địa danh thơ mộng này thì ấn tượng đọng lại không còn là những “giai điệu” buồn tẻ như thế.
“Một bước” là lên núi
Chúng tôi cứ nói vui với nhau như thế. Vì nhờ tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường lên Sa Pa giờ đã dễ đi hơn rất nhiều, thời gian cũng được rút ngắn mà lái xe thì cũng cực kỳ nhàn nhã.
Chúng tôi rời Hà Nội trong một ngày chuyển đông lạnh lẽo. Khác với những chuyến đi trước thường khởi hành vào buổi sớm tinh mơ, lần này chúng tôi khởi hành “lên núi” khi đã non trưa. Sở dĩ cả đoàn cứ dềnh dang như thế vì đường lên Lào Cai – Sa Pa giờ đã có cao tốc. Chỉ chạy xe khoảng 3,5 tiếng là lên tới thành phố Lào Cai, rồi thêm 1 tiếng “leo đèo, vượt dốc” nữa là đến thị trấn mù sương. Thời gian chạy xe đủ để gặp ngày tàn ở đích đến.
Theo đúng lịch trình đã định, sau khi nhận xe, mất khoảng nửa giờ chen lấn trên những con phố đông đúc, chúng tôi qua cầu Nhật Tân và “thoát” khỏi Hà Nội, bắt vào tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Dự án xây dựng Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam với tổng chiều dài là 245Km đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 Km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80Km/giờ.
Đường cao tốc vốn đã vắng, đi vào ngày giữa tuần lại càng thưa người hơn, thế nên cứ vút chân ga theo đúng tốc độ cho phép mà “phóng”. Băng lướt ở tốc độ cao nhưng chúng tôi vẫn vô cùng tự tin bởi khả năng vận hành của Toyota Hilux thực sự ấn tượng, mang đến cảm giác lái rất thoải mái như xe thể thao đa dụng và sự đầm chắc, mạnh mẽ đến không ngờ.
Xe chạy êm, đầm chắc, gầm cao nhưng không hề bị bồng bềnh khi chuyển làn hay vào cua. Chúng tôi điều khiển xe liên tục di chuyển ở tốc độ 100km/h. Ở dải tốc độ này, nếu tiếp tục tăng ga, xe vẫn tăng tốc ấn tượng.
Từ địa phận Yên Bái lên Lào Cai, con đường càng trở nên quanh co, lên xuống chập chùng. Mỗi khi qua đường dốc, duy trì một mức chân ga nhưng hộp số tự động 5 cấp vẫn chủ động về số thấp để tăng mô-men vượt dốc mà xe không bị giật cục. Toyota Hilux tạo cảm giác an toàn qua từng khúc cua, có những đoạn có thể ôm cua ở tốc độ 80km/h, tiếng lốp miết ken két nhưng xe vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Cảm giác lái rất thật, sau vô-lăng của xe, người lái có thể cảm nhận được rõ từng phản hồi của mặt đường và việc điều chỉnh góc lái cực kỳ chính xác.
“Nắm” vô-lăng trên con đường khi thẳng băng, khi uốn lượn, khi chui hầm xuyên qua tâm núi với tốc độ cao, chưa bao giờ chúng tôi lại “bắt gặp” thành phố Lào Cai nhanh đến thế. 300 ngàn trả cho “em” thu phí đường quả là cũng đáng vì khi lái xe, chúng tôi tiết kiệm được tối đa nhiên liệu, tiết kiệm được thời gian. Đường cao tốc mới chạy xe lại khá an toàn, thông thoáng nên không bị “mệt đầu”.
40 km trong sương
Ăn vội bữa trưa muộn tại thành phố Lào Cai, cả đoàn háo hức lên đường vì dự là cung Lào Cai – Sa Pa sẽ rất đẹp để tác nghiệp và chụp ảnh. Thế nhưng, “trời chẳng chiều lòng người”. Vừa chạm đến QL 4D sương đã giăng khắp lối, sương mù mịt che tầm nhìn lái xe.
Cung đường ngoằn ngoèo lại lắm sương mù không cho phép chiếc xe đi nhanh, tốc độ chỉ khoảng 40-60 km/h nên chúng tôi chuyển cần số sang chế độ S (Sport). Khi cần, người lái có thể chuyển số (+)/(-) để phanh bằng động cơ khi xuống dốc hoặc vừa kịp thời mau chóng tăng tốc lấy đà leo dốc hoặc vượt các xe khác. Ở chế độ này, vòng tua dễ dàng vọt lên 2.000 – 2.500 vòng/phút khi cần “già ga” để mang lại tốc độ và sức kéo lớn.
Đường núi lên Sa Pa không khó, khó là khó vì sương mù cứ trực giăng ra trước mũi xe sau mỗi khúc cua lên dốc, lớp sương làm cho mặt đường ướt và trơn hơn. Để đối phó với tình huống này, thao tác đơn giản cần phải làm là bổ sung thêm sức kéo từ 1 cầu sang hai cầu thông qua hệ thống gài cầu điện bằng núm vặn cạnh cần số. Hệ thống gài cầu điện có thể thực hiện ngay khi xe đang chạy và không mất nhiều thao tác thực hiện.
Sau khi chuyển sang chế độ 4H (2 cầu nhanh), Hilux leo lên Sa Pa mà không gặp trở ngại gì cho dù đường đi vẫn ướt và trời lất phất mưa. Thỉnh thoảng cả đoàn có dừng lại chụp ảnh giữa chân dốc, nhưng tôi vẫn rất tự tin khi chiếc pick-up có thể khởi động vào leo dốc dễ dàng kể cả khi đường trơn. Bởi hệ thống 2 cầu linh hoạt và mô-men xoắn lớn luôn đủ sức để “cõng” cả đoàn vượt qua bất kỳ đoạn đường nào.Chúng tôi cứ đi như thế trong sương suốt cả đoạn đường. Đến lúc sờ tay vào ô cửa kính dày của chiếc bán tải, cảm nhận làn hơi mát lạnh sau lớp sương mờ đục bao phủ, một Sapa hiện ra trước mắt mọi người…
Đã lâu không lên Sa Pa nhưng cảm xúc êm dịu và thấm đượm ngày nào vẫn chiếm trọn từng hơi thở của tôi khi hà hít cái không khí mát rượi lắng đọng trong từng giọt sương còn vấn vương trên kẽ lá. Sa Pa từ bao đời này vẫn ẩn mình trong một vẻ đẹp mê hoặc và quyến rũ lạ thường.
Chúng tôi đã đến Sa Pa nhiều lần, và lần nào cũng vẫn nguyên vẹn hình ảnh của nhiều năm trước. Vẫn đó nhà thờ Sa Pa một mình giữa sương mù lạnh lẽo, vẫn những bậc tam cấp luôn ẩm ướt xuống chợ, vẫn những ngôi nhà với mái hiên nhìn xuống con đường dốc thoai thoải, vẫn phiên chợ thổ cẩm với những đứa trẻ người Mông đen nói đủ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh bồi mời khách và hàng thông xanh vi vút reo khi mỗi lần gió tới.
Lần nào lên Sa Pa chúng tôi cũng nghỉ lại trong một khách sạn quen, một nơi nhìn xuống thung lũng mây vào ngày sương mù và một thung lũng xanh mướt ruộng ngô với những mái nhà thấp thoáng ngày quang. Gửi xe, đi bộ dưới phố, len lỏi trong những con phố dài hun hút, ngồi ăn trong những quán ăn lụp xụp trong chợ, lê la vỉa hè bên hàng ngô nướng, khoai nướng nóng hổi thơm lừng và nhâm nhi một tách cà phê trong một quán nhỏ trên phố “ướt đẫm” sương.
Cùng Hilux vượt ngần ấy cây số để lên đây “nếm” sương quả cũng đáng!
>> Xem ảnh Hành trình Hilux "thưởng thức" văn hóa vùng cao
Thế Đạt (TTTĐ)Ảnh: Trần Huy Thắng